Bài đăng phổ biến

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Chôm văn chỉa

Truyện Thần Hậu thổ ( Lĩnh Nam chích quái)
Theo truyện Báo Cực thì thần vốn là thần trời đất của nước Nam. Khi xưa khi vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm thành trở về đến cửa biển bỗng gặp mưa to, gió lớn, sóng trào cuồn cuộn dâng cao như núi, thuyền ngự, thuyền trận đều không đi được, phải đậu ở bên bờ. Đêm ấy, vua nằm mơ thấy một người con gái trang phục thanh đạm, quần hồng, điểm tô thanh lịch, bước lên thuyền ngự tâu rằng: “Thiếp là tinh của đất đai nước Nam, được thác vào khúc gỗ đã lâu rồi. Nay, gặp vua đi đánh giặc, xin theo quân vua để lập chiến công”. Nói xong thì đi mất. Vua tỉnh giấc, kể chuyện này với tả hữu và các bô lão.
Có nhà sư là Tăng Thống tên là Huệ Sinh nói: “Vị thần này thác vào khúc gỗ thì có thể tìm được”. Thế là vua sai các quân đi tìm, phát hiện khúc gỗ đầu tựa hình người như Vua đã gặp trong mộng.Vua sai đặt lên đầu thuyền, thắp hương làm lễ cầu đảo, phong hiệu là “Thần bà Hậu Thổ”. Trong giây lát, sóng im, gió lặng, thuyền bè đi lại được, không còn sóng vỗ ì ầm.
Phá xong Chiêm Thành, Vua khải hoàn, đến chỗ cũ, cho dựng đền thờ. Lát sau sóng gió lại cuồn cuộn như xưa. Huệ Sinh tâu: “Đó là thần không muốn ở mãi nơi bờ cát hẻo lánh, xin đưa thần về kinh thì sẽ yên lành”.Vua nghe lời, sóng gió lại lặng im.
Về tới kinh sư, vua sai dựng đền thờ ở làng Yên Lãng. Đền linh thiêng, ai ngạo mạn đều bị thần phạt.
Đến đời Trần Anh Tông, gặp lúc hạn hán, Vua sai dựng đàn cầu đảo, nằm mơ thấy thần nói rằng: “Thần Câu Mang đền này có thể làm mưa làm gió”. Vua tỉnh dậy, sai quan Hữu Ty đến tế ở đền. Quả nhiên, trời đổ cơn mưa như trút nước.Vua thấy vậy, sắc phong thần là “Thần bà Hậu Thổ”. Các đời sau cũng nhiều lần Vua sắc phong cho thần vì công lao đối với dân.
(Nguyễn Hữu Vinh dịch)

Bình:

• Chúng ta thường nói “Hoàng thiên hậu thổ”, vua trời mẹ đất. Đây cũng là từ trong triết lý âm dương mà ra—cha dương mẹ âm, cha trời mẹ đất… Trời đất đi chung với nhau, âm dương đi chung với nhau, là cha mẹ của muôn loài. Cho nên dân ta thờ Trời Đất (từ đó ta có tục bánh dầy bánh chưng).
• Và mẹ là đất cho nên mẹ gần với ta hơn cha trời xa thẳm. Thờ mẹ, thờ Hậu Thổ, là tôn thờ sự bảo bọc thương yêu của mẹ đối với chúng ta, và gia đình, ĐẤT nước chúng ta.